Ong ăn lá mỡ
Ong ăn lá mỡ (Shizocera sp) là đối tượng sâu hại nguy hiểm trên rừng cây mỡ, thường gây thiệt hại lớn tại các khu rừng trồng ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ nước ta. Bài viết sau sẽ giới thiệu chi tiết về đặc điểm hình thái, sinh học, tập tính gây hại và các biện pháp phòng trừ ong ăn lá mỡ hiệu quả.
1. Phân bố và mức độ gây hại
Ong ăn lá mỡ thường phân bố ở các rừng mỡ thuộc các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh... Trong những năm 1967–1968, loài này đã phát sinh dịch lớn tại các lâm trường như Đồi Giống, Cầu Hai, Việt Hồng. Những năm gần đây, ong tiếp tục xuất hiện và gây hại nặng, ăn trụi hàng chục hecta rừng mỡ tại nhiều địa phương.
2. Đặc điểm hình thái
-
Trưởng thành: Có thân dài 15–20 mm, màu xanh đen. Râu đầu hình răng lược, ngắn hơn thân. Mắt kép lồi, có ba mắt đơn xếp hình tam giác trên đỉnh đầu. Cánh trước có màu đen nâu, bụng có 8 đốt. Con cái có ống đẻ trứng dài.
Ong ăn lá mỡ khi trưởng thành
-
Trứng: Có hình quả chuối tiêu, màu trắng ngà.
-
Sâu non: Tuổi 1–3 có màu vàng nâu; từ tuổi 4 trở lên, lưng có màu vàng sẫm giống bôi “luyn”, phân đốt không rõ ràng, dài 26–36 mm.
-
Nhộng: Trần, nằm trong đất. Buồng nhộng làm bằng đất, hình bầu dục dài 15–17 mm, rộng 6–8 mm, mặt trong nhẵn, màu đen bóng.
Nhộng ong ăn lá mỡ trong lòng đất
3. Đặc điểm sinh vật và gây hại
-
Thời gian phát triển: Ong trưởng thành vũ hoá vào tháng 3 và tháng 9 hằng năm. Sau 1 tuần giao phối, con cái bắt đầu đẻ trứng ở mặt dưới lá, thường dọc theo gân lá chính. Trứng được đẻ thành vệt dài hình chữ nhật, mỗi ổ khoảng 50 quả.
-
Tập tính sâu non: Khi mới nở, sâu ăn thịt lá, chừa lại gân. Từ tuổi 3 trở đi, sâu ăn trụi cả lá, thậm chí gặm cả cuống non. Sâu thường ăn tập trung, nằm sát nhau ở mép lá, ăn lùi dần vào gốc lá. Chúng tiết chất nhờn màu vàng để tự vệ. Thời gian phá hại trên cây kéo dài khoảng 1 tháng, sau đó sâu rơi xuống đất hóa nhộng.
-
Nhộng: Thường nằm dưới đất, sâu khoảng 10 cm, cách gốc cây khoảng 1 m.
-
Tần suất xuất hiện: Mỗi năm có 2 lứa phá hại chính vào tháng 4–5 và tháng 10–11. Ong ăn lá mỡ chủ yếu gây hại ở rừng mỡ mới khép tán (độ che tán 0,8–0,9), thường tấn công trên các đồi thấp có độ dốc nhỏ hơn 15 độ, từ rìa rừng lan vào trong.
4. Biện pháp phòng trừ
-
Biện pháp cơ giới: Vào tháng 3 và tháng 10 hằng năm, tiến hành xới đất quanh gốc cây với độ sâu 10 cm và đường kính lớn hơn hình chiếu của tán lá từ 20–50 cm để tiêu diệt nhộng trong đất.
-
Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc hóa học phù hợp để phun khi sâu non xuất hiện với mật độ cao.
-
Biện pháp sinh thái: Giữ lại các cây bụi, bảo vệ tổ kiến cong đuôi – loài thiên địch tự nhiên của sâu. Đồng thời, nghiêm cấm săn bắt chim thú trong rừng mỡ để giữ cân bằng sinh thái.
Treo bẫy dính màu vàng